
Mực nước sông Đà gần đây xuống thấp, dòng chảy của sông đã bị thu hẹp, để lại những cồn cát dài cả trăm mét.

Đoạn chảy qua xã Đồng Trung (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ), nhiều người ra sông Đà để tìm những thứ quý giá dưới lòng sông, người dân gọi là “cổ vật”. Tại đây có khoảng chục người dân, từ già, trẻ, lớn, bé liên tục đào bới.

Giữa lòng sông, nước rút xuống để lộ lên bãi bồi dài khoảng 600m. Tại đây, có khoảng 20 người dân, từ già, trẻ, lớn, bé, lặn ngụp giữa hố nước còn sót lại, đào bới, tìm cổ vật. Thi thoảng có tiếng reo lên tiếng chúc mừng nhau khi họ đào được thứ tự cho là cổ vật có giá trị.
Dùng hết sức để đưa khối gỗ phủ một màu đen tuyền của loại gỗ đã được ngâm lâu năm dưới nước, anh Phạm Ngọc Tuân chia sẻ: “Đây có vẻ là gỗ quý đấy, chắc cũng phải nằm dưới lòng sông này đến cả trăm năm rồi, chắc và nặng lắm. Từ bé lớn lên, đến nay 50 tuổi rồi, bây giờ tôi mới thấy sông Đà cạn trơ đáy đến như thế”.
Dù đã có người đào được đồ giá trị, nhưng những người đi đào tuyệt nhiên không tranh cướp, thậm chí họ còn hỗ trợ nhau đào bới và định giá.
Theo một người đàn ông đang đào cổ vật, việc truy tìm cổ vật của người dân sống ven sông Đà được bắt đầu từ khoảng tháng 11.2022, khi những dòng sông bắt đầu vào mùa nước cạn.
Khi ấy, nhờ một lần đi dạo chơi, anh vô tình nhìn thấy dấu vết của 22 chiếc vòng đá và 3 chiếc rìu đá, dài khoảng 30cm.
“Đầu tiên nghĩ không bán được, tôi gọi điện ngỏ ý xin nộp vào bảo tàng, nhưng không thấy bên đó liên lạc lại. Sau đó có người mua đồ cổ ở Hà Nội hỏi, tôi bán toàn bộ số vòng và 3 chiếc rìu tổng cộng được 90 triệu, tặng thêm họ 1 nắp ấm bằng đồng cổ, 3 chiếc bát con loại gốm cổ.
Những “chiến lợi phẩm” thu hoạch được.
Từ khi còn bé, đi chăn trâu ở gần bãi sông, chúng tôi đã phát hiện ra những món đồ này rồi, nhưng không biết nên cứ cầm ném ra giữa lòng sông
Hồi trước Tết, có người từ Tuyên Quang về đây, lặn xuống tìm được cả thanh kiếm đá, chắc giá trị cũng phải đến gần trăm triệu đồng chứ không ít. Họ đào mấy tháng nay cũng hết rồi, giờ chỉ còn sót lại những vật nhỏ thôi” – anh Tuân cho hay.
Từ đó trở đi, ngày càng nhiều người đến tìm, cạn đến đâu họ đào bới đến đó. Ai được nhiều thì cũng đã thu được về cả trăm triệu đồng, người ít thì 70 – 80 triệu đồng.

Những đồ vật mà người dân tìm được đa số là những viên đá hoặc gỗ có hình như dao, búa…

Nhiều người mò mẫm trong nước một thời gian dài với hy vọng tìm được một chút gì đó quý hiếm để bán được tiền.

Anh Phan Trọng (xã Đồng Trung, Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết, việc đào bới tìm “cổ vật” này đã có từ lâu, đặc biệt là trước Tết Nguyên đán vừa qua. Có thời điểm, người dân mang cả máy móc thiết bị thăm dò để đào bới và tìm được rất nhiều đồ quý giá, “giờ chúng tôi đào tìm chỉ còn sót lại những vật nhỏ này thôi”, anh nói thêm.

Không chỉ người lớn, nhiều bạn trẻ cũng ra đây đào bới tìm cổ vật với mong muốn… đổi đời.